Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Nó giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ mới, thu thập thông tin, giải quyết xung đột và thấu hiểu những người xung quanh. Vậy có cách cách nào để rèn luyện kỹ năng lắng nghe? Hãy cùng kynangxinviec tìm hiểu cụ thể qua 6 bài tập tình huống về kỹ năng lắng nghe ngay trong bài viết dưới đây.
Kỹ năng lắng nghe là gì?
Nhiều người nghĩ rằng hai hành động “nghe” và “lắng nghe” là giống nhau nhưng thực tế nó hoàn toàn khác biệt. Nghe là việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động; trong khi đó, lắng nghe là một hành động được thực hiện chủ động. Đó là khi ta chú ý đến những gì người khác đang đề cập, hiểu được những gì họ nói và đưa ra phản hồi phù hợp.
Theo đó, kỹ năng lắng nghe là việc tiếp nhận thông tin với một tâm trí chủ động và tất cả các giác quan. Để trở thành một người lắng nghe giỏi, bạn không chỉ cần quan tâm đến âm thanh mà còn phải tập trung chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, không bị chi phối bởi những thứ xung quanh để hiểu được thông tin truyền ra từ người nói. Chính vì thế, lắng nghe là một kỹ năng không phải tự nhiên mà có, mà phải thông qua việc tập luyện thường xuyên mới có được.
Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe trong các tình huống
Trong cuộc sống
Một người có kỹ năng lắng nghe tốt là người có khả năng giao tiếp giỏi. Bởi lẽ giao tiếp không phải là việc chúng ta liên tục nói mà còn phải biết cách lắng nghe để tạo ra cuộc hội thoại hoàn chỉnh.
Trong cuộc sống hằng ngày, kỹ năng lắng nghe giúp chúng ta xây dựng và phát triển các mối quan hệ. Bất cứ ai cũng có những vấn đề cần được giải bày, cần được lắng nghe và thấu hiểu. Do đó, khi bạn rèn luyện được kỹ năng lắng nghe, bạn sẽ học được cách khích lệ, động viên và đưa ra phản hồi đúng cách. Từ đó, cuộc hội thoại sẽ trở nên thành công hơn, mối quan hệ của bạn cũng trở nên gắn bó và tin tưởng hơn.
Trong học tập
Đối với việc học tập tại trường lớp, kỹ năng lắng nghe càng trở nên quan trọng hơn hết. Nếu không biết lắng nghe, bạn sẽ không hiểu được những lời giảng dạy của giáo viên có ý nghĩa gì, những vệt phấn trắng trên bảng có nghĩa lý ra sao. Vì thế, với các học sinh, sinh viên, kỹ năng lắng nghe sẽ giúp bạn hiểu và ghi nhớ những nội dung đã được học từ đó trau dồi thêm nhiều kiến thức cho bản thân.
Trong công việc
Dù bạn làm công việc gì, ở bất cứ đâu, việc lắng nghe luôn luôn cần thiết. Lắng nghe giúp bạn tiếp nhận thông tin của cấp trên hiệu quả, hiểu rõ tâm tư của đồng nghiệp, nhận ra những vấn đề mà khách hàng gặp phải; nhờ đó, đưa ra những phương án giải quyết tình huống một cách nhanh chóng, thúc đẩy hiệu suất làm việc cá nhân.
6 bài tập tình huống về kỹ năng lắng nghe
Như đã đề cập phía trên, việc lắng nghe không phải ngày một ngày hai mà có được, tất cả đều cần có sự khổ luyện thì mới thành công. Dưới đây là một số bài tập tình huống về kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp hằng ngày mà bạn có thể tự trau dồi cho bản thân.
Tập trung lắng nghe
Một cuộc hội thoại sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tương tác giữa các bên với nhau. Khi giao tiếp với ai đó, hãy cố gắng tập trung lắng nghe đối phương một cách thiện chí, tiếp nhận thông tin từ họ qua những hành động như gật đầu tán thành, dùng ánh mắt thấu hiểu, cử chỉ tay,…
Việc bạn tập trung lắng nghe vào câu chuyện của người khác đang chia sẻ là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương, tạo sự thuận lợi cho cuộc giao tiếp. Để cải thiện sự tập trung khi giao tiếp, bạn có thể loại bỏ những điều gây xao nhãng như điện thoại hoặc tìm những không gian yên tĩnh để chuyện trò.
Tránh ngắt lời người khác
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc lắng nghe là không được ngắt lời người khác. Khi ai đó đang chia sẻ câu chuyện của họ, bạn cần tạo cho đối phương một không gian để họ được giải bày tâm sự thay vì cố gắng chen vào câu chuyện của họ một cách thô thiển. Việc ngắt lời có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu và mất hứng khi đang trong mạch kể chuyện.
Khích lệ người nói bằng cách đặt câu hỏi
Đừng chỉ nghe một cách quá thụ động, thỉnh thoảng hãy thể hiện cảm xúc của bạn về câu chuyện đang được đề cập bằng các câu hỏi như “Thật vậy sao?”, “Làm cách nào mà chuyện đó có thể xảy ra được?”, “Tiếp theo sau đó có chuyện gì xảy ra không?”,…
Bạn có thể đặt câu hỏi để thể hiện sự đồng tình hoặc ngạc nhiên khi lắng nghe. Điều này sẽ giúp cuộc hội thoại được mở rộng và tạo cơ hội cho đối phương tiếp tục cuộc trò chuyện.
Chú ý đến cử chỉ, hành động của đối phương
Ngoài việc lắng nghe, bạn cũng cần quan sát cách đối phương truyền đạt câu chuyện bằng những ngôn ngữ cơ thể. Thông qua các cử chỉ, hành động, biểu cảm của đối phương; bạn có thể hiểu được thêm về tâm trạng, cảm xúc của họ.
Bên cạnh đó, trong khi lắng nghe bạn cũng có thể sử dụng các ngôn ngữ hình thể để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với câu chuyện của đối phương. Các biểu cảm như ngạc nhiên, hoảng hốt, tiếc nuối, xúc động, gật đầu, chạm vai an ủi,… sẽ là cách tạo sự gắn kết với người nói.
Học cách thấu hiểu
Thấu hiểu là cấp độ cao nhất của kỹ năng lắng nghe. Khi đó, bạn không chỉ dùng tai và các giác quan để lắng nghe mà còn dùng cả trái tim để thấu cảm cả những gì ẩn ý đằng sau câu chuyện đối phương đang đề cập.
Lắng nghe để thấu hiểu là cách bạn đặt mình vào câu chuyện của đối phương để hiểu rõ tâm tư của họ một cách sâu sắc, để quan tâm, đồng cảm với những gì họ đã trải qua. Việc thấu hiểu sẽ giúp bạn có những phản ứng phù hợp để cuộc trò chuyện được dễ chịu hơn.
Đưa ra phản hồi tích cực
Đừng để đối phương trở thành người độc thoại duy nhất mà hãy tìm những cơ hội phù hợp để phản hồi câu chuyện của họ. Việc đưa ra phản hồi cho thấy bạn đang thực sự quan tâm đến những gì đối phương đề cập, thể hiện sự chân thành và thấu cảm của bạn.
Lời kết
Việc sử dụng hiệu quả kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp hằng ngày không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan điểm, cảm xúc và suy nghĩ của người nói mà còn giúp cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống một cách tích cực. Hãy bắt đầu thực hành bằng các bài tập tình huống về kỹ năng lắng nghe trong bài viết để hoàn thiện bản thân mỗi ngày một tốt đẹp hơn!
Xem thêm các bài viết liên quan: