Kỹ năng giao tiếp

Phương pháp phát triển kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ hiệu quả

Trong cuộc sống hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dùng lời nói để truyền thông điệp cho người đối diện. Lúc này, giao tiếp phi ngôn ngữ rất quan trọng. Vậy làm sao để có thể giao tiếp phi ngôn ngữ một cách hiệu quả? Hãy cùng Kynangxinviec tìm hiểu và áp dụng ngay những kỹ năng dưới đây.

Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ

Giao tiếp phi ngôn ngữ được hiểu là tất cả các cử chỉ, hành động trên cơ thể của bạn và nhằm mục đích truyền thông điệp đến người đối diện. Ví dụ, bạn có thể dùng ánh mắt và nét mặt nghiêm nghị để truyền thông điệp đến con của bạn không được quậy phá mà không cần nói ra lời.

Mặc dù không thể phủ nhận sự quan trọng của giao tiếp bằng lời, nhưng những buổi thuyết trình, tiệc tùng hay các cuộc trò chuyện hàng ngày sẽ thiếu đi sức hút nếu không có sự tham gia của ngôn ngữ cơ thể. Một chàng trai đã từng nói: “Chỉ cần nắm tay, nhìn vào mắt nhau và một nụ hôn nhẹ, điều đó ý nghĩa hơn cả ngàn lời nói“.

Vì vậy, khi giỏi kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, bạn không chỉ điều chỉnh được hành vi của người khác một cách phù hợp. Mà còn giúp truyền tải thông tin một cách chính xác, thấu hiểu và đồng cảm với người khác và tăng hiệu quả giao tiếp. Từ đó củng cố các mối quan hệ và tạo lợi thế trong công việc và cuộc sống.

Phương pháp phát triển kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

Ánh mắt – Nét mặt – Nụ cười

Được xem là công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng nhất. Ánh mắt, nét mặt và nụ cười thể hiện thái độ, tâm trạng, ước nguyện, cảm xúc và tính cách của mỗi người.

Nét mặt

Nét mặt là bộ công cụ toàn năng nhất trong quá trình giao tiếp, thể hiện thái độ, tâm trạng, ước nguyện, cảm xúc và phần nào đó là cá tính. Có 6 cảm xúc cơ bản thường được biểu lộ qua nét mặt: vui mừng, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận và ghê tởm.

Ngoài ra, nét mắt còn thể hiện ít nhiều về cá tính của con người. Người vô tư, lạc quan, yêu đời thường có nét mặt vui vẻ. Người vất vả, phải lo nghĩ nhiều thì nét mặt thường trầm tư.

Ánh mắt

Đôi mắt được xem là cửa sổ tâm hồn, có khả năng truyền đạt suy nghĩ và nội tâm một cách chân thật. Trong giao tiếp, ánh mắt thể hiện sự chú ý, tập trung lắng nghe hoặc là phản đối.

Để giao tiếp, bạn cần nhìn thẳng vào người đối thoại bằng ánh mắt tự nhiên, nhẹ nhàng và bao quát toàn bộ con người họ. Hãy giữ khoảng thời gian cho mỗi lần giao tiếp bằng mắt khoảng 4-5 giây.

Tuyệt đối không nhìn vào một điểm nào đó trên khuôn mặt hoặc lảng tránh khi nói chuyện. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nhìn chằm chằm vào người khác, tránh thể hiện sự soi mói và đa nghi.
  • Không nhìn bằng nửa con mắt hoặc ánh mắt coi thường, tránh thể hiện sự thiếu tôn trọng.
  • Không đảo mắt, liếc mắt vụng trộm, tránh thể hiện sự thiếu trung thực.
  • Không nheo mắt, nhắm một mắt hoặc nhắm cả hai mắt, tránh thể hiện sự thiếu tôn trọng.

Nụ cười

Trong giao tiếp, nụ cười là biểu lộ tình cảm và thái độ. Có nhiều kiểu cười như tươi tắn, hồn nhiên, đôn hậu, miễn cưỡng, chua chát, đanh ác, đồng tình, thông cảm, chế giễu, khinh bỉ,… Vì vậy, việc sử dụng nụ cười đúng lúc, đúng thời điểm sẽ tạo ra hiệu quả khi giao tiếp.

Một nụ cười tạo thiện cảm phải đáng ứng các yếu tố như tươi sáng và có sự chuyển động của mắt. Nụ cười phải bộc lộ cảm xúc qua phần răng lợi vừa phải và nét mặt tươi (Còn gọi là Nụ cười chữ A).

kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

Nụ cười tươi giúp bạn tạo thiện cảm khi giao tiếp

Lưu ý: Không phải nụ cười nào cũng mang ý nghĩa tích cực. Vì vậy, bạn phải quan sát thêm các ngôn ngữ cơ thể khác như nét mặt, ánh mặt hoặc cử chỉ để thấu hiểu đối phương. Ví dụ: Một người đang cười nhưng lại cắn môi, ánh mắt hướng xuống đất có thể đang che giấu tâm trạng buồn bã.

Diện mạo trong giao tiếp

Diện mạo bao gồm hình thể, trang phục, trang sức,… Trong giao tiếp ngôn ngữ cơ thể, diện mạo có tác  dụng tạo ấn tượng ban đầu cho người đối diện. Để đối phương biết mình là ai, bạn chỉ cần điều chỉnh diện mạo cho phù hợp.

Ví dụ: Nếu bạn muốn thể hiện bản thân là người lịch sự, có học thức, trí thức,… thì nên ăn mặc gọn gàng, đầu tóc chỉn chu, trang sức phù hợp.

kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể

Trang phục cần phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp

Tư thế trong giao tiếp

Tư thế không chỉ là cách chúng ta đứng, đi, ngồi mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về vị thế xã hội và phong thái cá nhân. Khi có một tư thế đi đẹp, bạn sẽ toát ra mình là một người tự tin, chuyên nghiệp từ đó tạo ấn tượng tích cực cho đối phương.

Tư thế đi

Một tư thế đi đẹp thể hiện bạn là người tự tin, năng động và đang hướng đến những công việc quan trọng. Hãy tập đi một cách nhanh nhưng nhẹ nhàng, đầu ngẩng cao và ngực hơi ưỡn ra phía trước.

Trách các tư thế đi cúi đầu vì nó thể hiện bạn là người thất bại, vất vả và không nhìn xa trông rộng. Ngoài ra, tư thế đi dò dẫm, bước ngắn cũng thể hiện bạn là người hay nghi ngại và thiếu tự tin.

Tư thế đứng

Tư thế đứng đẹp: đứng thẳng người, ngẩng cao đầu, hai vai không nhô ra phía trước, ngực thẳng, hai tay buông xuôi tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào trong, các ngón tay hơi chạm vào quần, thể hiện bạn là người đường hoàng, tự tin, phóng khoáng.

Tư thế ngồi

Tư thế ngồi cũng là thông điệp phi ngôn ngữ quan trọng truyền tải thái độ và sự chuyên nghiệp của bạn. Vì vậy, việc lựa chọn tư thế ngồi phù hợp cho từng kiểu giao tiếp là rất quan trọng.

  • Kiểu ngồi chữ L lưng thẳng, cổ cao, hai tay đặt lên đùi hoặc bàn: Được dùng để đi phỏng vấn, báo cáo cấp trên hoặc giao tiếp với khách hàng.
  • Kiểu ngồi vắt chéo chân hoặc gác chân thoải mái: Được sử dụng cho giao tiếp hằng ngày với bạn bè, người thân.

Lưu ý: Khi ngồi tư thế phải thẳng lương, không khoanh tay trước ngực hoặc rung đùi. Vì nó thể hiện bạn thiếu tự tin, phòng thủ hoặc thiếu tôn trọng đối phương.

Xem thêm: 16 kỹ năng giao tiếp và ứng xử nơi công sở của người Nhật

Cử chỉ cơ thể trong giao tiếp

Cử chỉ cơ thể là một quan trong trong kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Nó góp phần quan trọng vào việc truyền tải thông điệp và xây dựng mối quan hệ. Việc hiểu và sử dụng cử chỉ cơ thể một cách hiệu quả sẽ giúp bạn giao tiếp tự tin và thuyết phục hơn.

giao tiếp phi ngôn ngữ

Cử chỉ trong giao tiếp phi ngôn ngữ

Trong giao tiếp phi ngôn ngữ, người ta chia cử chỉ thành các phần sau:

Cử chỉ tay

  • Bắt tay: Thể hiện sự chào đón, thân thiện và tôn trọng.
  • Vẫy tay: Chào hỏi hoặc tạm biệt từ xa.
  • Chỉ tay: Hướng sự chú ý vào một vật hoặc người nào đó.
  • Khoanh tay trước ngực: Thể hiện sự phòng thủ, không đồng ý hoặc khép kín.
  • Đưa tay lên mặt: Có thể biểu thị sự suy nghĩ, lo lắng hoặc che giấu cảm xúc.
  • Khoanh tay sau lưng: Thể hiện sự tự tin, quyền lực hoặc kiên nhẫn.
  • Đút tay vào túi: Thể hiện sự thoải mái, thư giãn hoặc không quan tâm.
  • Chạm vào tóc: Thể hiện sự lo lắng, bất an hoặc tán tỉnh.

Cử chỉ đầu

  • Gật đầu: Thể hiện sự đồng ý, hiểu hoặc đồng cảm.
  • Lắc đầu: Thể hiện sự không đồng ý, từ chối hoặc phủ nhận.
  • Nghiêng đầu: Thể hiện sự tò mò, quan tâm hoặc lắng nghe.
  • Cúi đầu: Thể hiện sự tôn trọng, xấu hổ hoặc phục tùng.

Cử chỉ chân

  • Bắt chéo chân: Thể hiện sự thoải mái, thư giãn hoặc phòng thủ.
  • Gõ chân: Thể hiện sự sốt ruột, lo lắng hoặc buồn chán.
  • Duỗi chân: Thể hiện sự tự tin, thoải mái hoặc chiếm hữu không gian.

Vị trí ngồi trong giao tiếp

Ngoài ra vị trí chỗ ngồi cũng phản ánh các mối quan hệ giữa những người giao tiếp với nhau. Đối với một cái bàn có hai người ngồi, có một số vị trí ngồi như sau:

  • Vị trí góc: Phù hợp với những câu chuyện tế nhị, lịch sự. Cách sắp xếp này cho phép hai người có thể nhìn nhau hoặc không nhìn vào nhau nếu muốn.
  • Vị trí hợp tác: Hai người ngồi cạnh nhau và cùng nhìn về một hướng. Cách sắp xếp này không cho phép họ quan sát phi ngôn ngữ của nhau.
  • Vị trí cạnh tranh: Hai người ngồi đối diện nhau, giữa là một cái bàn, có tác dụng như một “chướng ngại phòng thủ“. Cách sắp xếp này thường gặp khi hai người có vấn đề, cãi vã, tranh luận, nói chuyện thẳng thắn, hoặc khi lãnh đạo phê bình, khiển trách cấp dưới.
  • Vị trí độc lập: Hai người ngồi tách biệt, không phải vị trí để đối thoại. Khi đối phương chọn vị trí ngồi này thường là người không muốn bắt chuyện, không muốn bị quấy rầy.

Khoảng cách trong giao tiếp

Khoảng cách là một công cụ rất quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Nó thể hiện mối quan hệ, mức độ thân thiết và sự tôn trọng lẫn nhau. Hãy tinh tế và linh hoạt trong việc thay đổi khoảng cách sao cho phù hợp với từng tình huống.

Có 4 vùng khoảng cách trong giao tiếp:

  • Vùng mật thiết (0 – 0.5m): Dành cho những người thân thiết như vợ chồng, người yêu, người thân trong gia đình.
  • Vùng riêng tư (0.5 – 1.5m): Dành cho bạn bè, đồng nghiệp.
  • Vùng xã giao (1.5 – 3.5m): Dành cho những mối quan hệ xã giao, những người mới gặp lần đầu, trong những bữa tiệc,…
  • Vùng công cộng (trên 3.5m): Dành cho việc giao tiếp với người lạ, ví dụ như hỏi đường, hỏi giờ,…

Tùy theo mục đích giao tiếp mà bạn có thể thay đổi khoảng cách cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt mục đích.

Xem thêm: 5 kỹ năng & 14 nguyên tắc giao tiếp khách hàng hiệu quả

Lưu ý khi giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể

  • Tính nhất quán: Bạn nên thể hiện cử chỉ cơ thể phù hợp với lời nói và ngữ cảnh để tránh gây hiểu lầm.
  • Đặt câu hỏi để xác nhận: Để tránh hiểu lầm hoặc bỏ lỡ thông điệp, hãy chủ động làm rõ những dấu hiệu phi ngôn ngữ mà bạn nhận thấy. Đặt câu hỏi một cách khéo léo để xác nhận lại ý hiểu của mình, ví dụ: “Mình thấy bạn có vẻ không thoải mái khi nói về vấn đề này, có đúng không?“.
  • Văn hóa: Cử chỉ cơ thể có thể có ý nghĩa khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau, vì vậy hãy tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.
  • Tự nhiên: Cử chỉ cơ thể nên tự nhiên và không gượng ép, nếu không sẽ tạo cảm giác giả tạo và không chân thành.
  • Nhận diện tín hiệu theo nhóm: Để hiểu đúng thông điệp phi ngôn ngữ, hãy xem xét các cử chỉ theo nhóm, không chỉ đơn lẻ. Một cử chỉ có thể mang nhiều nghĩa, nhưng khi kết hợp với các cử chỉ khác sẽ tạo thành bức tranh tổng thể về cảm xúc và ý định của người đối diện.
  • Cân nhắc bối cảnh: Hãy luôn cân nhắc xem những hành động phi ngôn ngữ của bạn có thích hợp với bối cảnh hay không. Ví dụ, trong một cuộc họp bạn nên ngồi thẳng và không nói chuyện phiếm. Trong khi ở một buổi tiệc thân mật thì nên ngồi thoải mái và thể hiện bản thân nhiều hơn.

Để trở thành người giao tiếp giỏi, hãy bắt đầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ ngay hôm nay! Bằng cách quan sát và thực hành các cử chỉ, điệu bộ khác nhau trong từng tình huống giao tiếp, bạn sẽ dần làm chủ ngôn ngữ cơ thể và nâng cao hiệu quả giao tiếp của mình, mở ra cánh cửa thành công trong mọi lĩnh vực.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Chuyên mục
Kỹ năng giao tiếp
35
Kỹ năng thuyết trình
21
Kỹ năng lắng nghe
18
Kỹ năng làm việc nhóm
1